Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

Hiểm họa từ thịt heo siêu nạc Trung Quốc


TT- – TTO - Thích thú với miếng thịt dày nạc và lớp mỡ mỏng dính, người dân Trung Quốc không ngờ sẽ phải vào viện do đau bụng, cao huyết áp, tim đập nhanh… chỉ vì nhiễm chất clenbuterol mà nông dân dùng để trộn vào thức ăn gia súc nhằm tạo ra vật nuôi siêu nạc, mau lớn.
>> Xem bản tin tiếng Anh
AP ngày 25-1 cho hay tình trạng lạm dụng thuốc trong thức ăn gia súc để tăng hiệu quả kinh tế ở Trung Quốc đã đến mức báo động. Chất clenbuterol vốn hay xuất hiện trong thịt lợn để giảm lượng mỡ, tăng lượng nạc giờ đây còn xuất hiện trong các đĩa thịt rắn dày nạc ở miền nam Trung Quốc hay đĩa thịt bò không gây mỡ ở vùng Tân Cương xa xôi.
Chất clenbuterol tồn dư nhiều ở gan và phổi. Trung Quốc đã ghi nhận nhiều trường hợp nhiễm độc clenbuterol:
Tháng 2-2009, 70 người nhập viện ở Quảng Châu vì bị đau bụng, tiêu chảy sau khi ăn nội tạng lợn bán ở chợ địa phương.
Năm 2009, 13 người ở Thâm Quyến nhập viện vì ăn phải thịt rắn nhiễm clenbuterol.
Năm 2006, hơn 300 người ở Thượng Hải vì bệnh vì chế phẩm thịt lợn.
Truyền thông Trung Quốc cho biết rắn còn được nuôi bằng ếch ăn thức ăn trộn clenbuterol để mau lớn.
Clenbuterol có tác dụng đẩy nhanh quá trình đốt cháy mỡ, tăng cường phát triển cơ bắp nhưng dùng quá liều sẽ khiến cơ thể mang bệnh và có thể dẫn đến tử vong. Từng có một vận động viên đua xe đạp phản ứng dương tính với chất này nhưng anh ta cho rằng đã ăn phải thịt bò nhiễm độc.
Hóa chất trên bị chính phủ Trung Quốc cấm sử dụng nhưng nhiều cộng đồng nông thôn vẫn cho vào thức ăn gia súc để kiếm lời. Hiện chưa thống kê được chính xác lượng thịt nhiễm clenbuterol nhưng các nhà quan sát cho hay ít nhất ở vùng nông thôn nước này, hóa chất clenbuterol vẫn được dùng tràn lan.
“Đây là vấn đề lớn ở Trung Quốc”, Pan Chenjun - một nhà phân tích cấp cao trong ngành thực phẩm ở Bắc Kinh, nhận xét. “Thông tin về vấn đề này không được cung cấp nhiều nên người dân vẫn nghĩ không có vấn đề gì xảy ra. Tôi cho rằng nhiều người dân thành thị hay ăn thức ăn đường phố rất dễ nhiễm clenbuterol".
Wen Peng - biên tập của một tạp chí chăn nuôi, cho hay vẻ ngoài hấp dẫn của thịt lợn nuôi bằng clenbuterol đã khiến một số nhà cung cấp thịt Trung Quốc đặt hàng thịt loại này từ những trang trại lợn.
“Các trại lớn ít dùng clenbuterol vì bị kiểm tra gắt gao nhưng các trại nhỏ mới là thị trường lớn của clenbuterol”, ông Wen nói.
PHAN ANH

Có nên tiếp tục thúc đẩy dự án tàu cao tốc ở Việt Nam

Đường sắt cao tốc Trung Quốc: Dù thua lỗ vẫn bành trướng

Đường sắt cao tốc Trung Quốc: Dù thua lỗ vẫn bành trướng
SGTT.VN - “Đường sắt cao tốc là một dự án chính trị ít có giá trị kinh tế”, ông Zhao Jian, giáo sư Đại học giao thông Bắc Kinh nói về đường sắt cao tốc hoành tráng ở Trung Quốc.
Cuộc di dân thường niên vĩ đại nhất của nhân loại chính là hành trình về quê ăn tết nguyên đán của người dân Trung Quốc. Cơ quan hỏa xa Trung Quốc cho biết khoảng 230 triệu người Trung Quốc sẽ đi lại dịp này bằng tàu hỏa, tăng 12,5% so với Tết năm trước.
Nhưng bao nhiêu người sẽ mua vé tàu lửa cao tốc?
Tàu cao tốc ế, xe buýt lên ngôi
Với 8.358 km, Trung Quốc hiện có hệ thống đường sắt cao tốc dài nhất thế giới. Nhưng càng mở nhiều dịch vụ thì tàu cao tốc càng ít có hành khách thường xuyên và lại càng ít những chuyến tàu giá rẻ.
Đặc biệt trong mùa thiên di năm nay, kéo dài từ 19.1 đến 27.2, những hành khách có ý thức tiết kiệm luôn tránh xa tàu cao tốc.
Cho dù cơ quan hỏa xa đã tăng cường các dịch vụ hạng sang cho nhiều tuyến tàu cao tốc với hy vọng đa dạng hóa dịch vụ và thu hút thêm nhiều hành khách, nhiều người dân không có khả năng mua vé với giá cao.
Tuyến Thượng Hải-Thành Đô dài 2.000km nhân dịp Tết này đưa vào hoạt động dịch vụ tàu cao tốc hạng sang với giá vé toa giường nằm lên tới 2.330 tệ (khoảng 352 USD) không có hành khách mặc dù các toa hạng rẻ tiền hơn đi tuyến này đã bán sạch từ lâu.
Tàu cao tốc chỉ thành công trong việc lấy mất hành khách của hãng hàng không quốc gia, còn thường dân Trung Quốc vẫn thích tiết kiệm tiền hơn tiết kiệm thời gian. Giá vé rẻ nhất của tàu cao tốc tuyến Bắc Kinh-Thiên tân là 58 tệ, bằng 3/4 lương công nhật của một công nhân.
Người lao động Trung Quốc vẫn thích mua vé tàu chậm ghế cứng với giá 11 tệ và chấp nhận đi quảng đường 100km này trong hai giờ hơn là đi tàu cao tốc chỉ 30 phút.
Khi các tuyến tàu chậm giảm xuống để nhường cho tàu cao tốc phát triển, xe buýt đường dài lại trở thành phương tiện thiên di chính trong mùa này.
Trong khi bộ Hỏa xa tỏ vẻ lạc quan với con số 230 triệu người sẽ đi tàu hỏa, bộ Giao thông cùng thời điểm này công bố có tới 2,6 tỷ chuyến xe buýt sẽ xuôi ngược Trung Quốc trong cùng thời điểm trước và sau Tết, tăng 11.6% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cộng 840.000 chiếc xe buýt, bao gồm 70.000 chiếc mới tăng cường vào dịp này, sẽ lăn bánh mỗi ngày 2,4 triệu chuyến.
Dự án chính trị
Dù phải khổ cực đợi để có tấm vé đi tàu thường hay xe buýt dưới mưa tuyết, nhiều người vẫn nhất quyết không đi tàu cao tốc để tiết kiệm tiền. Ảnh: AP
Những tuyến đường sắt cao tốc chưa bao giờ chạy hết công suất hành khách vì giá vé cao. Với phí tổn đầu tư 21.55 tỷ nhân dân tệ, tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh-Thiên Tân là tuyến đầu tiên được xây dựng.
Hoạt động từ 2008, tuyến đường sắt cao tốc này không biết bao giờ có đủ số hành khách để hòa vốn chứ đừng nói đến có lãi.
Tuyến Thạch Gia Trang-Thái Nguyên hoạt động từ tháng 4.2009, trong năm đầu tiên đã thua lỗ 800 triệu tệ và năm kế tiếp không dưới 900 triệu tệ.
Ước tính phải ít nhất 20 năm nữa các tuyến đường sắt cao tốc ở Trung Quốc hiện thời mới hòa vốn, nếu không phát triển thêm.
Chiến lược phát triển đường sắt cao tốc đã biến bộ Hỏa xa nước này thành con nợ khổng lồ của chính phủ. Năm 2010, Ngân hàng Thế giới cho biết 10% số nợ đáo hạn của Trung Quốc thuộc về bộ Hỏa xa.
Tính đến quý III, 2010, bộ này đã nợ tới 1,1 tỷ tỷ nhân dân tệ vì các khoản vay phát triển đường sắt cao tốc.
Các chương trình kích thích kinh tế của Trung Quốc vẫn đang thúc đẩy nhanh việc phát triển đường sắt cao tốc. Theo kế hoạch, đến năm 2012, nước này sẽ có 13.000km đường sắt cao tốc và đến 2020 sẽ tăng lên đến 16.000km.
Hoàn thành trước thời hạn vào cuối năm 2010 và sẽ hoạt động vào tháng 6 tới, tuyến đường sắt cao tốc 1300km Bắc Kinh-Thượng Hải là dự án kinh tế lớn nhất lịch sử Trung Quốc.
Với vốn đầu tư 221 tỷ nhân dân tệ, huy động hơn 120.000 công nhân, dự án này đã vượt qua Đập Tam Hiệp, dự án thủy điện lớn nhất thế giới với vốn đầu tư 203,9 tỷ nhân dân tệ.
Chưa hoạt động nhưng mọi người đều tiên đoán tuyến đường này cũng sẽ lâm vào cảnh thua lỗ như các tuyến đường sắt cao tốc khác. Chiến lược bành trướng đường sắt cao tốc dường như chỉ nhằm tạo thêm việc làm để ổn định xã hội đối với trong nước và gia tăng uy tín đối với thế giới.
Ông Zhao Jian, giáo sư Đại học giao thông Bắc Kinh cho rằng: “Đường sắt cao tốc là một dự án chính trị ít có giá trị kinh tế.”
TRẦN NGỌC ĐĂNG

Dịch vụ bản đồ trực tuyến 'Map World' vi phạm chủ quyền của Việt Nam


TT- – Ngày 26-1-2011, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc ngày 18-1-2011, Cục Đo đạc Bản đồ quốc gia Trung Quốc đã chính thức cung cấp dịch vụ bản đồ trực tuyến “Map World”, trong đó vẫn tiếp tục thể hiện đường yêu sách 9 đoạn trên Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga nói:
"Việc Cục Đo đạc Bản đồ quốc gia Trung Quốc chính thức cung cấp dịch vụ bản đồ trực tuyến “Map World”, trong đó thể hiện đường yêu sách 9 đoạn ở Biển Đông là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và củan các ước ven biển Đông, hoàn toàn trái với các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Việt Nam phản đối việc làm này của Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc gỡ bỏ ngay những nội dung sai trái trong các bản đồ nói trên.”
Theo TTXVN