Thứ Ba, 19 tháng 4, 2011

Biến thịt heo thành thịt bò - chỉ có ở Trung Quốc

SGTT.VN - Các phương tiện thông tin đại chúng của Trung Quốc đã phát hiện một loại chất phụ gia gọi là “cao thịt bò” tại một số tỉnh như An Huy, Giang Tây, Phúc Kiến, Quảng Đông, TTXVN dẫn tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 18.4 cho hay. Chất này có thể làm thịt lợn biến thành thịt bò trong vòng 3 phút sau khi được tẩm ướp.
Theo điều tra thị trường của báo chí Trung Quốc, không chỉ với thịt bò mà ngay cả thịt cừu, gà, vịt, ngỗng, cá, tôm, cá mực cũng đều có loại phụ gia tương ứng làm biến đổi chất thịt.
Hiện nay, chất phụ gia này được bán tương đối phổ biến tại một số địa phương với giá hơn 40 nhân dân tệ/1kg.
Theo giới thiệu một chủ cửa hàng tại Quảng Châu, để có thể biến thịt lợn thành thịt bò, ngoài mentol, người ta phải cho thêm khoảng 2kg “cao thịt bò” trên 100kg thịt nguyên liệu.
Hiện nay, các nhà chức trách Trung Quốc đang tiến hành điều tra, tuy nhiên vẫn chưa rõ “cao thịt bò” là chất gì, có thuộc chất phụ gia thực phẩm hay không và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào.

Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2011

Tràn lan ly độc

Thông tin Lâm Đồng phát hiện nhiều loại cốc (ly) Trung Quốc (TQ) có nhiễm độc đã làm dấy lên làn sóng lo ngại từ người tiêu dùng, trong khi đó việc xử lý của các cơ quan chức năng lại quá chậm chạp.
Như Thanh Niên đã thông tin, qua kiểm tra, Chi cục Tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng (TC-ĐL-CL) Lâm Đồng phát hiện trên địa bàn có bán 7 loại ly thủy tinh xuất xứ từ TQ chứa hàm lượng chì cao vượt mức cho phép từ 1.489 - 2.867 lần, 1 mẫu ly nhựa vượt hơn 8 lần. Thế nhưng, đây không phải là lần đầu tiên ở VN phát hiện loại sản phẩm độc hại này và theo khảo sát của PV Thanh Niên, hiện loại sản phẩm này không chỉ bán ở Lâm Đồng.
Mua bao nhiêu cũng có
Theo tìm hiểu, hầu hết mẫu ly thủy tinh nhiễm chì mà Chi cục TC-ĐL-CL Lâm Đồng công bố lần này đều là những mẫu ly nhiễm chì, cadimi mà Chi cục TC-ĐL-CL TP.HCM khảo sát, kiểm nghiệm và công bố vào khoảng giữa tháng 1.2011 (Thanh Niên đã thông tin). Ngay sau đó, các siêu thị, nhà cung cấp chính thức loại ly nhiễm độc này đã thu hồi sản phẩm để xử lý. Tuy vậy, khảo sát thực tế ngày 14.4 tại thị trường TP.HCM, các sản phẩm ly thủy tinh TQ nhiễm độc vẫn bán tràn lan tại “phố” ly chén Nguyễn Phúc Nguyên (Q.3), chợ Bình Tây (Q.6)... với giá rất cạnh tranh. Tại chợ Bình Tây, bộ ly - ấm thủy tinh (1 ấm, 4 hoặc 6 ly) chỉ từ 72.000 - 92.000 đồng. Trên nhiều bộ ly không hề ghi thông tin gì, hỏi thì tiểu thương chỉ nói đó là hàng TQ...
Tại nhiều chợ lớn ở Hà Nội, tuy không bày bán loại ly có hoa văn giống như 8 mẫu ly nhiễm độc mà Lâm Đồng công bố, nhưng ly thủy tinh, nhựa TQ với hoa văn sặc sỡ thì “bạt ngàn”, muốn mua bao nhiêu cũng có. Tương tự, tại Đà Nẵng, rảo quanh các chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Mới... các loại ly TQ in hoa văn nổi được bày bán khá nhiều. Theo chị N.L, một tiểu thương kinh doanh mặt hàng ly, tách, chén của chợ Hàn, thì mặt hàng ly in hoa văn nổi, nhiều màu sắc của TQ rất được khách hàng ưa chuộng. Giá ly TQ cũng tương đối mềm. Đơn cử, bộ 6 ly loại 300 ml - 350 ml có giá 40.000 đồng, trong khi đó bộ 6 ly thủy tinh của Thái cùng kích cỡ có giá 50.000 - 60.000 đồng...
Phản ứng chậm chạp

Không nên sử dụng ly, cốc thủy tinh sặc sỡ
Ngày 14.4, ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP (Bộ Y tế) khuyến cáo, không nên sử dụng cốc, ly thủy tinh không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong trường hợp sử dụng, nên tránh các sản phẩm thủy tinh được sơn nhuộm các màu sắc sặc sỡ, vì chúng thường chứa một số chất gây độc (như chì). Với các sản phẩm ly, cốc bao gói thực phẩm bằng nhựa cũng chọn đúng sản phẩm nhựa trắng chuyên dành cho bao gói thực phẩm. Không chứa đựng các thực phẩm nóng nhiệt độ cao bằng bao bì nhựa; không vệ sinh bao bì nhựa bằng nước sôi. (Nam Sơn)

Khi được hỏi về loại ly TQ độc hại, nhiều người tiêu dùng tỏ ra lo lắng vì trong gia đình họ có sử dụng ly xuất xứ từ TQ, nhưng không biết có phải ly nhiễm độc hay không. Người tiêu dùng mong muốn cơ quan chức năng cần có động thái dứt khoát, công bố rõ ràng các mẫu ly nhiễm độc, thu hồi và tiêu hủy các sản phẩm này trên thị trường.Trong khi đó, theo ông Lê Xuân Phúc, Chi cục trưởng Chi cục TC-ĐL-CL Lâm Đồng, sau khi phát hiện ly xuất xứ từ TQ nhiễm độc, vụ việc đã được báo cáo Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Tổng cục TC-ĐL-CL) và thông báo đến UBND các huyện, thành cảnh báo người tiêu dùng. “Hiện cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền chưa ban hành quy định về quản lý chất lượng các loại sản phẩm này nên công tác hướng dẫn quản lý và xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn. Chi cục đã đề nghị Tổng cục TC-ĐL-CL kiến nghị Bộ KH-CN sớm ban hành quy định về quản lý chất lượng đối với các loại cốc thủy tinh, cốc sứ và cốc nhựa”, ông Phúc nói.
Tương tự, đầu năm 2011, phát hiện 9 mẫu ly thủy tinh TQ chứa hàm lượng chì vượt “ngưỡng” hàng nghìn lần, nhưng do các sản phẩm này chưa nằm trong danh mục kiểm tra Nhà nước về chất lượng nên Chi cục TC-ĐL-CL TP.HCM không thể ra văn bản buộc thu hồi sản phẩm, xử lý trách nhiệm người kinh doanh, phân phối các sản phẩm nhiễm độc, mà chỉ dừng lại ở mức khuyến cáo người kinh doanh không bày bán, người tiêu dùng không mua để đảm bảo an toàn. Nhưng khuyến cáo không có hiệu lực, bằng chứng là các loại ly này vẫn bày bán đầy thị trường. “Ngay thời điểm phát hiện (giữa tháng 1.2011), chúng tôi đã gửi kiến nghị lên Tổng cục TC-ĐL-CL trình Bộ KH-CN xem xét ban hành quy định cụ thể quản lý các chất này cũng như hướng dẫn xử lý sản phẩm. Tuy vậy, đến nay vẫn chỉ là những văn bản khuyến cáo chứ chưa ban hành quy định cụ thể liên quan nào”, một cán bộ Chi cục TC-ĐL-CL TP.HCM (đề nghị giấu tên) bức xúc.
Gây ung thư, hủy hoại thần kinh...Theo bác sĩ Trần Văn Ký (Văn phòng phía Nam, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN): “Thông thường các loại ly tách khi tiếp xúc với nhiệt độ từ 60 độ C trở lên thì các nguyên tử bề mặt có xu hướng tách ra hòa lẫn vào thực phẩm, nước. Việc sử dụng sản phẩm nhiễm chì cao lâu ngày  sẽ khiến chì tích tụ lại trong cơ thể, gây độc mãn tính”. Còn theo bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM (thuộc Bộ Y tế): “Hàm lượng chì cao sẽ gây độc hại cho cơ thể. Khi tiếp xúc với môi trường a-xít cao, kiềm cao, hay nhiệt độ cao (từ 39 độ C trở lên) thì chì có trong sản phẩm sẽ bị thôi nhiễm và sẽ gây độc hại cho cơ thể. Nhiệt độ càng cao thì càng kích hoạt mạnh những phần tử của sản phẩm, nghĩa là chì sẽ tách ly ra khỏi sản phẩm nhiều hơn”.
Độc hại do chì gây ra, theo các chuyên gia trên là rối loạn tiêu hóa, gây thiếu máu, tổn thương mạch máu não, hủy hoại thần kinh, gây ung thư, làm giảm sự phát triển trí tuệ ở trẻ nhỏ, tác hại đến sinh sản (gây vô sinh ở nam và nữ, gây sảy thai, sinh non)...
Thanh Tùng

Hoàng Việt - Gia Bình - Diệu Hiền

Thứ Năm, 14 tháng 4, 2011

Mua đỉa - liệu có lặp lại bài học về ốc bươu vàng, móng trâu, mèo... từ "người láng giềng tốt bụng"?

Nông dân một số tỉnh miền Bắc đang lùng bắt đỉa để bán với giá hơn một triệu đồng/kg. Nhiều người bán cho biết, đỉa được đưa ra nước ngoài làm thuốc.

Ngọc, nông dân ở Thuận Thành, Bắc Ninh cho biết, dụng cụ bắt đỉa là một vợt nhỏ, gói vôi bột hoặc lọ nước vôi pha nồng độ vừa phải và hộp nhựa để đựng. Hằng ngày, Ngọc xuống đồng săn đỉa và mua của người khác để bán lại cho “vài người trên thành phố xuống tận nhà thu mua”.

Bắt đỉa bằng tay không rất khó, vì chúng trơn tuột và có giác bám ở miệng, khi chạm tay vào, chúng sẽ cắn, hút máu, Ngọc nói. Ngọc dùng vợt bắt đỉa lên, rắc vôi bột hoặc đổ nước vôi lên mình đỉa, nó sẽ co tròn lại. Sau đó, anh gắp bỏ vào hộp nhựa.

Ngọc kể rằng, hơn chục năm trước, ngoài đồng rất lắm đỉa, lần nào anh xuống ruộng cũng bị đỉa cắn. “Đỉa hút máu ở chân người đến khi no căng rồi tự buông. Nông dân mải làm đồng nên thường ít khi biết đỉa đang hút máu. Đến khi lên bờ, rửa chân tay mới hay đã bị đỉa cắn vài phát”, Ngọc nói. Vài năm nay, nông dân hiếm khi bị đỉa cắn do thuốc trừ sâu nhiều khiến đỉa không sống nổi.

Chị Lụa ở huyện Kinh Môn, Hải Dương, nói rằng, thương lái về tận nơi mua với giá 10.000 đồng/con. “Tôi nghe nói họ bán đỉa sang Trung Quốc để làm thuốc. Mỗi ngày lội đồng cũng bắt được hơn chục con, kiếm thêm chút ít cho các cháu ăn học”, chị Lụa nói.

Trên trang web Agriviet.com, nơi rao bán nông sản, người có nickname nhanonghp, nói là ở Hải Phòng, nhận thu gom đỉa khô, “càng nhiều càng tốt, giá 1,3 - 1,5 triệu đồng/kg”. Qua điện thoại, nhanonghp cho hay, chị mua rồi bán lại cho người khác mang qua cửa khẩu sang Trung Quốc. “Nghe đâu là làm thuốc, tôi cũng chẳng rõ” - người có nick nhanonghp nói.

Tìm kiếm trên google với từ khóa “đỉa làm thuốc”, được biết, trong Đông y, đỉa hay còn gọi là thanh điệt, có tác dụng thông máu, tan vết bầm, sưng, giải máu ứ đọng. Trong y học hiện đại, thanh điệt được phối chế với nhiều loại thuốc khác để điều trị bệnh tắc nghẽn mạch máu, ứ trệ máu…

Có trang web nói rằng, đỉa và các chế phẩm từ đỉa rất tốt cho bệnh khớp, tim mạch, bởi trong tuyến nước bọt của loài hút máu này chứa chất chống viêm sưng, chống đông máu cùng một số chất có khả năng hạn chế triệu chứng viêm khớp.

Nhưng một số website Đông y cũng cảnh báo không lạm dụng đỉa khi chưa có hướng dẫn của thầy thuốc. “Dùng bừa bãi sẽ gây tác hại khôn lường. Nếu khi đốt, tán đỉa không đúng cách sẽ khiến một số tế bào đỉa còn sống. Khi người bệnh uống, tế bào còn sót lại sẽ sinh trưởng và lớn lên thành con đỉa ở trong người bệnh” - Lương y Trần Văn Quảng, Hiệp hội Đông y Việt Nam cho biết. Vì thế, hiện trong Đông y cũng ít dùng loại thuốc này, trừ những trường hợp hết thuốc mới dùng thay thế.

Chủ tịch Hội động vật học Việt Nam - Giáo sư Đặng Huy Huỳnh cho biết, đỉa có tác dụng nhất định với môi trường, không loài động vật nào tồn tại mà vô dụng. Nhưng nếu có hiện tượng thu mua trên diện rộng thì nên tìm hiểu, phòng cảnh thi nhau nuôi đỉa để bán, rồi khi thương lái không thu mua nữa sẽ gây hậu quả khó lường.

“Đỉa dễ sinh sôi trong mọi điều kiện, nhất là những vùng đồng ruộng chiêm trũng. Nếu đốt đỉa không cháy hết, vài tế bào sót lại gặp điều kiện thuận lợi cũng có thể phát triển thành con đỉa bình thường”, GS Huỳnh nói.

Theo thông tin trên một số trang web của Trung Quốc cho rằng, đỉa được dùng làm thuốc lần đầu tiên tại nước này từ năm 200 trước Công nguyên. Giá bán được rao ở các trang mua bán trực tuyến Trung Quốc khoảng 500 - 700 nhân dân tệ (1,5 - 2,1 triệu đồng).

Theo Tiền Phong

Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

Trung Quốc đóng cửa gần 50% công ty sữa vì kém chất lượng
Thứ hai, 04/04/2011, 01:45 (GMT+7)
Tờ Chinadaily ngày 3-4 đưa tin gần 50% số công ty sản xuất sữa hộp và sữa bột của Trung Quốc đã được lệnh phải ngừng hoạt động ngay lập tức vì không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn mới về vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Quyết định đình chỉ hoạt động trên được đưa ra sau đợt kiểm tra toàn bộ 1.176 công ty sản xuất sữa hiện có trên toàn quốc. Kết quả thanh tra cho thấy có tới 553 công ty không đạt các tiêu chuẩn để cấp giấy phép hoạt động mới.

Cơ quan thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm Trung Quốc cam kết từ nay công tác kiểm tra sẽ tiếp tục được tiến hành thường xuyên và nghiêm ngặt hơn.  
Đ.CAO
Trung Quốc khôi phục lòng tin thị trường thực phẩm
Thứ tư, 06/04/2011, 01:33 (GMT+7)
Sự kiện Tổng cục Giám sát, Kiểm tra và Bảo đảm chất lượng Trung Quốc ra lệnh đóng cửa 426 công ty sữa, buộc 117 công ty khác tạm ngừng sản xuất cho đến khi chứng minh có cải thiện về mặt chất lượng, cho thấy nỗ lực của chính quyền Bắc Kinh nhằm vực dậy ngành công nghiệp sữa đang chịu nhiều tai tiếng.
  • Lo ngại dư lượng thuốc trừ sâu, phụ gia thực phẩm
Tờ Chinadaily công bố số liệu khảo sát cho biết, khoảng 70% cư dân Bắc Kinh ngại mua các sản phẩm sữa bột trẻ em sản xuất trong nước vì lo ngại an toàn thực phẩm. Kết quả này cho thấy, người tiêu dùng Trung Quốc lo sợ chất lượng sữa nội, bất chấp các báo cáo xét nghiệm chính thức công bố không có sự khác biệt nào đáng kể giữa hàng nội và hàng ngoại. Không riêng người dân Bắc Kinh, người tiêu dùng Trung Quốc hiện nay đang ưa chuộng các sản phẩm ngoại nhập hơn là các sản phẩm sữa nội được sản xuất trong nước.

Sự thiếu tin tưởng này bắt đầu từ năm 2008, vụ scandal sữa nhiễm độc chất melamine ở Trung Quốc, làm 6 trẻ sơ sinh thiệt mạng và hơn 300.000 bé khác bị sỏi thận. Nhiều người có liên quan đến vụ việc đã bị bắt giam, khởi tố, trừng trị theo luật pháp. Hàng loạt các cơ sở, công ty sản xuất sữa chứa melamine cũng buộc phải đóng cửa nhưng trong thời gian gần đây, cơ quan điều tra Trung Quốc vẫn phát hiện loại hóa chất độc hại này vẫn được trộn vào các sản phẩm sữa cho trẻ em.

Trong khi đó, một chương trình khảo sát quốc gia của Trung Quốc cho biết, đa số người dân Trung Quốc không tin tưởng về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước này. Đây là kết quả thăm dò dư luận của Tạp chí Insight China và Trung tâm Tsinghua Media Survey Lab.
Theo kết quả của cuộc khảo sát, trong số 24 loại thực phẩm gồm rau, hoa quả, hải sản, dầu ăn và các sản phẩm nước uống thì người dân Trung Quốc tỏ ra lo ngại nhất đối với các loại thực phẩm sấy khô, đồ đóng hộp, thức ăn nhanh và các sản phẩm liên quan đến bơ, sữa. Cuộc khảo sát cũng cho biết người dân Trung Quốc sợ nhất ảnh hưởng của các loại thuốc trừ sâu tồn đọng trong các sản phẩm nông nghiệp, các chất phụ gia không an toàn được sử dụng trong thực phẩm.
Trung Quốc nỗ lực xây dựng niềm tin ở người tiêu dùng.
  • Các biện pháp mạnh
Nhằm khôi phục lòng tin của người tiêu dùng trong thị trường nội địa, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cảnh báo, nhà chức trách nước này sẽ liên tục tiến hành cuộc kiểm tra ngẫu nhiên sữa bột, sữa tươi và các sản phẩm làm từ sữa trong năm nay. Trung Quốc cảnh báo các nhà sản xuất sữa ở nước này rằng sẽ trừng trị nghiêm khắc những kẻ pha vào sữa những hóa chất độc hại nhằm tăng hàm lượng đạm.
Nhà chức trách cũng đã áp dụng một loạt biện pháp cụ thể nhằm ngăn chặn những vụ việc tương tự tái diễn, như tăng cường ngân sách cho hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm, quyết liệt loại trừ những thực phẩm kém vệ sinh, chất lượng...

Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc ban hành quy định mới, kể từ ngày 1-4 đến hết tháng 7-2011, các nhà bán lẻ, cửa hàng kinh doanh thực phẩm phải tham gia các quy trình kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm để được cấp những giấy chứng nhận kinh doanh mới, nhằm ngăn chặn việc bán và cho tiêu thụ các loại sản phẩm độc hại ra thị trường. Nếu họ không tham gia việc đăng ký cấp phép mới, cơ sở kinh doanh, cửa hàng của họ buộc phải đóng cửa.
Trước tình trạng ngày càng có nhiều lời than phiền từ việc bán hàng thực phẩm kém chất lượng trên mạng, các nhà chức trách cũng đang bàn kế hoạch thiết lập một hệ thống kiểm tra chất lượng các loại sản phẩm này. Các trang web bán hàng kém chất lượng, hàng gian, giả sẽ cũng phải đóng cửa và các chủ sở hữu trang web cũng sẽ phải đối mặt với các mức án xử phạt cao.  
THANH HẰNG