Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2011

Lo ngại Trung Quốc, Mỹ tăng ngân sách quốc phòng

(VnMedia) - Các nhà phân tích cảnh báo, tình trạng bất ổn có thể gia tăng ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương nếu Quốc hội Mỹ thông qua mức tăng ngân sách quốc phòng cho năm tài khoá sắp tới. Lý do là việc Mỹ tăng ngân sách quốc phòng lớn sẽ khiến Trung Quốc lo ngại và dễ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang giữa hai nước này.

Theo đề xuất của Tổng thống Barack Obama được trình lên Quốc hội hôm 14/2, ngân sách quốc phòng của Mỹ trong năm tài khoá 2012 sẽ tăng thêm 4,2 tỉ USD so với ngân sách năm 2011. Như vậy, ngân sách quốc phòng năm tới sẽ đạt một mức kỷ lục mới bất chấp Washington đang tìm cách cắt giảm lớn chi tiêu.

Cụ thể, ngân sách quốc phòng chính cho năm tài khoá 2012 bắt đầu từ ngày 1/10 tới được dự kiến sẽ đạt mức 553,1 tỉ USD. Khoản tiền này chưa bao gồm các khoản chi tiêu dành cho hai cuộc chiến tranh ở IraqAfghanistan. Các lĩnh vực được tăng cường đầu tư trong năm tới là an ninh mạng, vũ khí được triển khai trên vũ trụ và an ninh hạt nhân. Ngoài ra, Lầu Năm Góc cũng có kế hoạch đầu tư 9,7 tỉ USD cho dự án phát triển chiến đấu cơ F-35 của Lockheed.

Ngoài ngân sách chính nói trên, chính quyền của Tổng thống Obama cũng đang đề nghị được cấp 117,8 tỉ USD cho hai cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan. Con số này thấp hơn 41,5 tỉ USD so với ngân sách của năm tài khoá 2011. Việc cắt giảm ngân sách dành cho chiến tranh trong năm 2012 phản ánh quyết tâm của Mỹ trong việc rút hoàn toàn quân lính ra khỏi Iraq và giảm dần quy mô của lực lượng nuớc này ở Afghanistan trong thời gian sắp tới.

Không rõ là liệu đề xuất ngân sách quốc phòng mới nhất của chính quyền Tổng thống Obama có được thông qua hay không khi mà Quốc hội vẫn còn rất chia rẽ về vấn đề này.

Tuy nhiên, nếu mức ngân sách trên được thông qua, nó có thể làm gia tăng bất ổn ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương bởi đây là khu vực mà Mỹ đang ngày càng quan tâm.

Mỹ tăng ngân sách quốc phòng vì Trung Quốc?

Theo nhận định của ông Li Qinggong, Phó Tổng thư ký Hội đồng Nghiên cứu chính sách An ninh quốc gia Trung Quốc, “việc Mỹ tăng ngân sách quốc phòng sẽ làm gia tăng áp lực đối với Trung Quốc bởi Bắc Kinh tin rằng vòng vây xung quanh họ sẽ được tăng cường mạnh mẽ hơn”.

Ông Li cho rằng, vì Mỹ ngày càng quan tâm nhiều hơn đến khu vực Châu Á Thái Bình Dương nên những khoản tăng chi tiêu quốc phòng của Mỹ được cho là sẽ dành cho việc hỗ trợ các đồng minh và tổ chức các cuộc tập trận chung với những nước này.

Một tuần trước khi đề xuất ngân sách quốc phòng của Lầu Năm Góc được công bố, Washington đã chứng kiến một cuộc tranh luận nóng bỏng giữa các chuyên gia an ninh và các quan chức quốc phòng Mỹ về sự phát triển của quân đội Trung Quốc, đặc biệt là trong các chương trình vũ trụ và hải quân.

Một số nhà phân tích tin rằng, Trung Quốc chính là một nhân tố quan trọng liên quan đến việc Mỹ tăng ngân sách quốc phòng lên mức kỷ lục.

Đề cập đến nhận định của các nhà phân tích, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cui Tiankai cho biết tại một cuộc họp báo mới đây rằng, chính sách quốc phòng của Trung Quốc không nhằm vào bất kỳ nước nào. Chính sách đó vẫn mang bản chất phòng vệ nên các nước không có lý do gì phải lo lắng về chính sách quốc phòng của Trung Quốc, ông Cui khẳng định.

Trong khi đó, ông Abraham Denmark, một chuyên gia về an ninh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, cho biết, việc Trung Quốc - một cường quốc kinh tế chính, nâng cao năng lực quân sự là quyền chính đáng và hợp pháp. "Tuy nhiên, câu hỏi chính mà các nhà chiến lược Mỹ quan tâm là Trung Quốc sẽ sử dụng sức mạnh mới về kinh tế, quân sự và chính trị của mình như thế nào," ông Denmark cho biết.

Mặc dù nhiều chuyên gia quốc phòng thừa nhận Trung Quốc sẽ phải mất nhiều năm nữa để bắt kịp sự phát triển về quân sự của Mỹ, nhưng những tranh luận kiểu như trên trước khi Quốc hội Mỹ đưa ra quyết định cuối cùng có thể giúp Lầu Năm Góc được cấp thêm nhiều ngân sách trong năm nay, ông Zheng Wang, một nhà phân tích cấp cao thuộc Viện Hoà bình Mỹ, cho hay.

Tuy nhiên, ông Li nhấn mạnh, đến thời điểm này vẫn chưa rõ là Quốc hội Mỹ có đồng ý với đề xuất ngân sách quốc phòng cho năm 2012 của Lầu Năm Góc hay không, bởi các nghị sĩ vẫn còn chia rẽ về quy mô cắt giảm và tăng ngân sách. Một số nghị sĩ Đảng Cộng hoà đang kêu gọi cắt giảm lớn ngân sách quốc phòng trong bối cảnh Mỹ đang phải đối mặt với khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ và khoản nợ quốc gia lên tới 1,5 nghìn tỉ USD. Những nghị sĩ khác lại muốn tăng ngân sách quốc phòng.

Kiệt Linh - (theo Chinadaily)

Trung quốc lại báo cáo láo khiến WHO phải lên tiếng

Từ năm 1985, ở Hoa lục xe đạp dần dần được thay thế bằng xe gắn máy, xe ôtô thì Trung quốc trở nên một quốc gia đứng đầu thế giới về tai nạn giao thông và cho đến ngày hôm nay vẫn giữ ngôi vị này. Trước đây, mỗi năm có chết hàng trăm ngàn người vì tai nạn giao thông, nhà nước cũng mặc vì cho rằng đi ẩu chết ráng chịu, chứ không bao giờ nghĩ rằng mình có phần trách nhiệm lớn trong đó. Nay do mở cửa giao thương với các nước nên bắt đầu sợ bị mang tiếng vì cả chính quyền lẫn người dân chẳng ai nghiêm chỉnh giữ đúng luật lệ giao thông nói chi đến các chuyện khác. Từ năm 2000, chính quyền Bắ́c Kinh đưa ra chỉ tiêu mỗi năm phải giảm con số tử vong vì tai nạn giao thông từ 5 đến 10% để làm sao đến năm 2010 chỉ còn dưới 8 chục ngàn người.

Mặc dù nhà nước đã đặt ra chỉ tiêu như thế, nhưng theo ông Triệu Hàng (Chủ nhiệm sở Nghiên cứu kỹ thuật xe ôtô Trung quốc) thì chẳng ai không muốn tai nạn giao thông giảm thiểu ở mức tối đa, nhưng hiện tại không thể nào đạt được chỉ tiêu đó vì ba lý do chính, thứ nhất là con người, thứ hai là hệ thống quản lý và thứ ba là thiết bị. Phải có một quá trình giáo dục người dân về luật lệ giao thông chứ không thể một sớm một chiều là mọi người rành rẽ. Cứ đứng ở một ngã tư để quan sát có bao nhiêu bộ hành băng qua đường mặc dù đèn xanh chưa bật, đó là chưa kể đến biết bao nhiêu người đi xe gắn máy hay lái ôtô thấy đèn đỏ đã bật nhưng đâu chịu dừng. Về phía quản lý tức là cảnh sát giao thông thì phương pháp điều tra, phân tích nguyên nhân xảy ra tai nạn quá chậm nên không đưa ra được đối sách kịp thời. Đường xá, cầu cống thì rất nhiều nơi thi công không đúng theo như thiết kế vì bị rút ruột nên dễ xảy ra tai nạn. Không giải quyết căn nguyên của vấn đề thì tai nạn giao thông chỉ có tăng chứ làm sao giảm được.

Mặc dù chính quyền Bắc Kinh không giải quyết những vấn đề căn bản mà ông Triệu Hàng đã nêu ra ở trên, nhưng vẫn tuyên bố là đã đạt được chỉ tiêu đã đề ra mới là tài tình. Ngày 13 tháng 1 vừa qua, Cục Quản lý giao thông Trung quốc công bố cho hay số người bị thiệt mạng do tai nạn giao thông gây ra trong năm 2010 là 79.552 người, giảm 3.648 người so với năm 2009. Bản công bố này còn nói thêm là nếu so với con số trên 100 ngàn của năm 2008 thì đây là một nỗ lực lớn của nhà nước và người dân.

Sau khi bản công bố này tung ra được khoảng 3 tuần thì vào ngày 6 tháng 2 năm 2011, Tổ chức Y tế Thế giới của Liên Hiệp Quốc có tên viết tắt là WHO lên tiếng yêu cầu chính quyền Bắc Kinh phải tu chính lại cho đúng với sự thật vì theo điều tra riêng của WHO thì số người bị thiệt mạng bởi tai nạn giao thông trong năm 2010 ở Trung quốc phải gấp ba lần con số mà Cục quản lý giao thông Trung quốc công bố. WHO còn chỉ rõ ra những báo cáo không đúng sự thật của chính phủ Trung quốc, chẳng hạn như năm 2002 số người bị thiệt mạng vì tai nạn giao thông là 221.135 người, trong khi nhà nước Trung quốc công bố là 91.649 người. Hoặc trong năm 2007, chính quyền Bắc Kinh công bố con số cứ 100 ngàn người thì có 6 người bị thiệt mạng vì tai nạn giao thông, thực tế là 164 người.

Các bình luận gia nói rằng WHO có yêu cầu hay kháng nghị gì thì cũng chẳng ăn thua gì cả đối với chính quyền Bắc Kinh, nhưng dù sao việc làm của WHO cũng rất hữu ích là cho thế giới biết thêm một sự thật. Các bình luận gia này còn nói thêm rằng ai mà tin vào những con số thống kê hay báo cáo của chính quyền cộng sản đưa ra mới là người bất thường chứ về phía chính quyền cộng sản thì đâu có gì đáng nói, vì đó là nghề đánh lừa của họ mà.