Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

'Hành động của Trung Quốc gây lo ngại an ninh cả khu vực'

'Việc Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, gây thiệt hại và cản trở hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là hành động trắng trợn, gây lo ngại an ninh cả khu vực", ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ nói.

- Ông đánh giá như thế nào về việc 3 tàu hải giám của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và cản trở hoạt động của PVN ngày 26/5 vừa qua?
- Xét về khía cạnh luật pháp quốc tế, hành động này là sự vi phạm hết sức ngang ngược, trắng trợn Công ước về luật biển 1982 mà Trung Quốc và Việt Nam đều là thành viên. Vùng biển này hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền ven biển của Việt Nam, không liên quan gì tới vùng chồng lấn hay tranh chấp.
Trước đây cũng đã có những lần tàu Trung Quốc áp sát, gây khó khăn thậm chí đe dọa cho các tàu thăm dò dầu khí, tàu nghiên cứu khoa học của Việt Nam.
Ảnh
Tàu hải giám Trung Quốc mang số hiệu 84 vi phạm lãnh hải của Việt Nam. Ảnh: TTXVN.
- Trong hoàn cảnh các nước ở khu vực tuyên bố không làm phức tạp tình hình biển Đông, hành động này từ phía Trung Quốc cho thấy điều gì?
- Thực ra, tôi không ngạc nhiên về việc này. Tùy tình hình, năm nào họ cũng có những hoạt động đơn phương tại các vùng biển mà họ tự cho là "ao nhà" của mình.
Nhìn rộng hơn, đây là cả một chiến lược tiến xuống biển Đông có tính toán của Trung Quốc và được triển khai thực hiện trên nhiều phương diện. Chẳng hạn, về phương diện pháp lý, Trung Quốc đã liên tục ban hành các luật, quy định, tuyên bố… ngay từ những năm 1950.
Trên phương diện dư luận, họ lợi dụng mọi diễn đàn quốc tế để giành được sự công nhận của quốc tế về chủ quyền trên biển Đông. Về hành chính, họ ban hành hàng năm các lệnh cấm đánh bắt hải sản ở vùng biển hoàn toàn không thuộc chủ quyền của họ….
Năm 2009, khi Việt Nam gửi đăng ký về ranh giới rìa ngoài của thềm lục địa lên Liên Hợp quốc thì Trung Quốc mới chính thức ra một công hàm trong đó lần đầu tiên công bố có "bản đồ đường lưỡi bò".
Về các hoạt động quân sự trên thực địa, gần đây họ có các hoạt động ngăn chặn, phá hoại việc nghiên cứu, thăm dò của các quốc gia trong khu vực này như Philippines ở Bãi Cỏ Rong, các vùng thềm lục địa của Việt Nam...
Với cách làm đó có thể thấy Trung Quốc đang tính toán những bước tiếp theo để biến tham vọng chiếm 80% diện tích biển Đông thành vùng biển của họ, theo đúng cái mà họ đưa ra bằng "bản đồ đường lưỡi bò".
Ảnh:
Cáp thăm dò của tàu địa chấn Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc trắng trợn xâm phạm chủ quyền Việt Nam phá hoại. Ảnh: TTXVN.
- Theo ông, khi đã tham gia Công ước, tàu Trung Quốc căn cứ vào đâu để cho mình quyền xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam?
- Trung Quốc tham gia Công ước và luôn nói rằng tôn trọng Công ước, đàm phán trên cơ sở Công ước. Tuyên bố như vậy nhưng trong thực tế họ lại làm ngược lại. Họ lý luận rằng, họ căn cứ Công ước, vận dụng văn bản này với xuất phát điểm là Hoàng Sa, Trường Sa (mà họ gọi là Tây Sa, Nam Sa) thuộc quyền của họ. Vì thế họ có quyền mở rộng vùng biển quanh các quần đảo này.
Rõ ràng về mặt luật biển thì đây là sự vận dụng sai lầm, đầy tham vọng chủ quan. Tôi từng tham gia nhiều hội thảo với các nhà khoa học thì họ đều nói đây là một yêu sách phi lý, không có căn cứ một tiêu chuẩn quốc tế nào để hình thành đường biên giới không rõ ràng.
- Vậy với trường hợp cụ thể lần này, khi bị tàu hải giám Trung Quốc cản trở phá hoại, theo ông chúng ta cần làm gì để bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp của mình?
- Việc Việt Nam kịp thời lên tiếng về ngoại giao, đối nội, đối ngoại để thể hiện chủ quyền như vừa rồi là hoàn toàn đúng đắn. Chúng ta cũng cần gửi lưu chiểu tại Liên Hợp quốc, công bố tất cả bằng chứng vi phạm này cho cả thế giới biết, đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế, tòa án luật biển của Liên hợp quốc.
Còn cụ thể trước hành động xâm phạm chủ quyền, xâm phạm an ninh và phá hoại lợi ích kinh tế, quốc gia ven biển nào cũng đủ quyền để sử dụng sức mạnh tự vệ. Chúng ta có quyền xử phạt các tàu vi phạm, hành xử theo đúng quy định pháp luật. Năm 1988 khi Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm một số bãi cạn trên quần đảo Trường Sa thì hải quân chúng ta đã chiến đấu và hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước.
Chủ trương của Việt Nam là hòa bình, nhưng khi chủ quyền bị xâm phạm thì chúng ta có thể dùng mọi biện pháp chính đáng và hợp pháp để bảo vệ quyền thiêng liêng của tổ quốc.
Gần đây, Malaysia hay Philippines cũng đã phải dùng máy bay hoặc các lực lượng vũ trang ra xua đuổi tàu Trung Quốc xâm phạm. Đó là quyền để tự vệ, để đảm bảo an toàn và lợi ích chính đáng của quốc gia.
Ảnh: N.H
"Xét về khía cạnh luật pháp quốc tế, hành động của tàu hải giám Trung Quốc là sự vi phạm hết sức ngang ngược, trắng trợn Công ước về luật biển 1982 mà Trung Quốc và Việt Nam đều là thành viên". Ảnh: N.H.
- Theo ông, hành động của Trung Quốc ảnh hưởng như thế nào đến an ninh của các quốc gia trong khu vực, đặc biệt các nước chung biển Đông?
- Đây là câu hỏi mà nhiều nước suy nghĩ khi Trung Quốc liên tục có nhiều hành động để biến tham vọng của mình thành sự thực. Điều đó gây ảnh hưởng và đe dọa không chỉ đến an ninh, quốc phòng chiến lược quân sự mà còn về mặt kinh tế, dân sự của các nước trong khu vực.
Đó là chưa kể nó sẽ ngày càng gây cản trở đối với một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất trên thế giới qua biển Đông. Tôi cho rằng, các nước trong khu vực cần có tiếng nói thống nhất trước những hành động hết sức trắng trợn lần này của Trung Quốc.
Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc quy định rõ phạm vi, quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển cũng như vùng biển quốc tế. Theo điều 76 của công ước, thềm lục địa của quốc gia ven biển có chiều rộng tối thiểu 200 hải lý (mỗi hải lý bằng 1.852 mét).
Lô 148 mà tàu Bình Minh 02 đang thăm dò hoàn toàn nằm trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Vị trí cáp thăm dò bị phía Trung Quốc cắt chỉ cách mũi Đại Lãnh, tỉnh Phú Yên 116 hải lý, tức là còn 84 hải lý nữa mới đến ranh giới 200 hải lý.
Nguyễn Hưng thực hiện

 

Tàu Trung Quốc ngang ngược xâm phạm lãnh hải Việt Nam

Sáng 26/5, 3 tàu hải giám Trung Quốc đã vi phạm lãnh hải thuộc chủ quyền của VN, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động của Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN.

Ông Đỗ Văn Hậu, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN (PVN), cho biết thực hiện kế hoạch PVN đã phê duyệt chương trình thăm dò khai thác dầu khí năm 2011, doanh nghiệp thành viên - Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, một thành viên của PVN, đã cử tàu địa chấn Bình Minh 02 triển khai khảo sát địa chấn tại khu vực lô 125, 126, 148, 149 ở thềm lục địa miền Trung của Việt Nam.
Cả 4 lô này đều nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tàu địa chấn Bình Minh 02 đã khảo sát hai đợt tại đây, đợt 1 vào năm 2010 và đợt 2 bắt đầu từ ngày 17/3/2011. Quá trình khảo sát những ngày vừa qua được tiến hành trôi chảy và tàu Bình Minh đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Tuy nhiên, vào lúc 5h5 ngày 26/5, rađa tàu địa chấn Bình Minh 02 đã phát hiện có tàu lạ đang chuyển động rất nhanh về phía khu vực khảo sát. Sau đó 5 phút thì phát hiện tiếp 2 tàu nữa đi từ phía ngoài vào. Đó là ba tàu hải giám của Trung Quốc chạy thẳng vào khu vực khảo sát mà không có cảnh báo.
Tàu hải giám Trung Quốc mang số hiệu 84 vi phạm lãnh hải của Việt Nam. Ảnh: TTXVN.
Trên cơ sở tốc độ di chuyển của tàu hải giám Trung Quốc, tàu Bình Minh thấy có khả năng sẽ ảnh hưởng đến thiết bị của tàu nên đã quyết định hạ thấp thiết bị để tránh thiệt hại.
Vào lúc 5h58, tàu hải giám Trung Quốc đã chủ động chạy qua khu vực thả dây cáp, cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02. Vị trí mà ba tàu hải giám Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu Bình Minh 02 của PVN, chỉ cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ông Hậu cho biết thêm ba tàu Hải giám Trung Quốc đã làm ảnh hưởng, cản trở hoạt động bình thường của tàu địa chấn Bình Minh 02. Sau đó tiếp tục uy hiếp tàu Bình Minh 02 và thông báo là tàu Bình Minh đã vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Nhưng tàu Bình Minh của PVN cương quyết bác bỏ luận điệu của tàu hải giám Trung Quốc và khẳng định rằng tàu Bình Minh đang nằm trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Vị trí các tàu hải giám Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam và cắt cáp của tàu Bình Minh 02. Ảnh: TTXVN.
Tuy nhiên, việc tiếp tục công việc ngay lúc đó của tàu Bình Minh 02 vẫn bị ba tàu Hải giám Trung Quốc cản trở cho tới 9h sáng 26/5 khi 3 tàu này rời khỏi khu vực khảo sát.
Tàu Bình Minh 02 và các tàu bảo vệ đã phải dừng công việc trong ngày 26/5 và thu lại các thiết bị bị hỏng để sửa chữa.
Dưới sự chỉ đạo của PVN và Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, tàu Bình Minh 02 đã sửa chữa thiết bị tại chỗ và tới 6h sáng 27/5, tàu Bình Minh 02 đã trở lại hoạt động.
Phó tổng giám đốc PVN khẳng định việc các tàu hải giám Trung Quốc vào rất sâu trong lãnh hải của Việt Nam để phá hoại, cản trở các hoạt động thăm dò khảo sát bình thường của PVN là một hành động hết sức ngang ngược, vi phạm trắng trợn đối với quyền chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động của PVN.
PVN đã báo cáo và đề nghị Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có các biện pháp phản đối mạnh mẽ nhất có thể đối với phía Trung Quốc; yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay các hành động cản trở hoạt động của PVN. Đồng thời hỗ trợ PVN thực hiện nhiệm vụ thăm dò, khai thác của mình.
Tập đoàn PVN cũng khẳng định các công việc khảo sát địa chấn ở khu vực này sẽ được tiến hành bình thường vì đây là khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam. PVN sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để bảo đảm cho hoạt động của tàu Bình Minh 02 được hiệu quả, an toàn.
Tàu địa chấn Bình Minh 02 được PVN đầu tư trang bị từ năm 2008 và đã tiến hành các đợt khảo sát trên vùng thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
(Theo TTXVN)

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

Trung Quốc xôn xao vụ thịt muối có lẫn nilon và kim loại

Một khách sạn 5 sao ở tỉnh An Huy (Trung Quốc) vừa phát hiện túi nilon bao gói và mảnh kim loại trong sản phẩm đùi lợn muối, mua của nhà cung cấp thực phẩm lớn Yurun.

Trên những mẩu nilon này có ghi ngày sản xuất là 8/4/2011, trong khi vụ việc xảy ra hôm 19/5. Điều đó khiến người ta nghi ngờ rằng số thịt trên đã được "tái chế" từ thịt muối quá hạn, bởi hạn dùng của sản phẩm này thường là một tháng.
Theo nhân viên khách sạn, hai người quản lý của chi nhánh công ty thực phẩm Yurun đã đến để xem xét chỗ thịt muối này, chụp ảnh và xin lỗi về sự cố. Họ cũng đề nghị đền bù 2.000 tệ, hoặc số sản phẩm có trị giá tương đương.
Người quản lý của chi nhánh công ty Yurun, cho rằng sự cố này là sơ suất hiếm gặp trong quy trình đóng gói bằng máy. Còn bếp trưởng của khách sạn thì nhận định các mẩu nilon và kim loại nằm sâu trong khối thịt, như vậy có thể nhà sản xuất đã dùng lại thịt muối quá hạn dùng.
Trang capitalvue cho biết, 3 ngày sau sự việc, đại diện hãng thực phẩm Yurun đã tới khách sạn đề nghị bồi thường 5.000 tệ và sản phẩm trị giá tương đương. Hãng cũng phủ nhận việc đã dùng thịt muối quá date.
Yurun là một nhà sản xuất thịt chế biến lớn ở Trung Quốc, do vậy vụ việc đang gây xôn xao dư luận nước này.
T. An

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

"Bom dưa hấu" ở Trung Quốc

Nhiều ruộng dưa hấu ở thành phố Đan Dương, tỉnh Cam Túc của Trung Quốc đã tan hoang sau khi những quả dưa phát nổ do dùng chất tăng trưởng, theo phóng sự mới đây của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV).

Từ đầu tháng đến nay đã có 20 hộ nông dân và 45 ruộng dưa bị ảnh hưởng vì tình trạng này. CCTV dẫn lời các chuyên gia suy đoán đây là hậu quả của việc nông dân xịt quá liều thuốc tăng trưởng forchlorfenuron với hy vọng sẽ thu hoạch dưa sớm hơn và bán được giá cao hơn. Có những quả bị xịt chất này nhiều đến mức chúng phát nổ, nứt toác ra sau một tiếng “bụp”.

Theo CCTV, đến nay chưa có ai bị thương do “bom dưa hấu” nhưng nông dân đang rất khốn đốn. “Có ngày hơn 100 quả bị nổ. Ban đầu chúng tôi không hiểu vì sao nhưng có lẽ là do dùng quá nhiều forchlorfenuron”, một nông dân giấu tên nói. Các chuyên gia cho hay dấu hiệu nhận biết dưa “ngậm” quá nhiều forchlorfenuron là chúng có xơ, không tròn và hạt trắng.

Văn Khoa