Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

Trung Quốc ngừng bán nước tăng lực Red Bull

Nước tăng lực Red Bull bị ngừng bán ở các siêu thị Trung Quốc vì chứa chất phụ gia nguy hiểm tới sức khỏe.

Red Bull là loại đồ uống có tác dụng giải khát và tăng cường sinh lực. Ảnh: China Buzz
Động thái trên được đưa ra sau khi xuất hiện một số báo cáo ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang khẳng định rằng trong nước Red Bull có chứa một số chất chưa được Cục quản lý dược và thực phẩm Trung Quốc kiểm định. "Chúng tôi đã bỏ tất cả những loại đồ uống có thương hiệu này ra khỏi kệ bán hôm thứ 7 vì các lo ngại về an toàn thực phẩm", anh Sun, chủ một cửa hàng tạp hóa ở quận Huangpu, thành phố Thượng Hải chia sẻ với China Daily hôm chủ nhật (12/2).
"Chúng tôi sẽ xem xét có nên trả lại mặt hàng này cho nhà cung cấp, hay nên để chúng vào kho và lại tiếp tục bày bán nếu như có kết luận chính thức rằng đây là loại nước uống an toàn", anh nói thêm.
Chị Shi, hiện là nhân viên phòng chăm sóc khách hàng của một trung tâm ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, cho biết sau một tuần nhận được lệnh ngưng bày bán, doanh thu từ các sản phẩm có nhãn hiệu Red Bull đã chững lại. Trong khi đó một số cửa hàng ở thành phố Quảng Châu và Bắc Kinh cũng thông báo họ đã tạm thời ngừng bán sản phẩm này.
Trước động thái này, công ty Red Bull đã đăng tải một tuyên bố trên trang web chính thức của họ khẳng định rằng tất cả các loại thức uống chức năng đang được bày bán là an toàn và được sản xuất theo đúng quy định và đúng tiêu chuẩn. Thức uống chức năng thường bao gồm các loại đồ uống dinh dưỡng và tăng cường sinh lực. "Các kết quả kiểm định thường xuyên cho thấy các sản phẩm của Red Bull là đúng theo tiêu chuẩn mà công ty chúng tôi đã cam kết và chưa bao giờ có chứa các chất phụ gia bị cấm", tuyên bố này có đoạn.
Trong khi đó, Sở Quản lý dược và thực phẩm Cáp Nhĩ Tân hôm thứ 7 (11/2) đăng tải một nhận định lên trang web của mình, trong đó nói rằng theo các kết quả kiểm tra của chính phủ thì nước Red Bull có chứa một số chất phụ gia chưa được đăng ký với nhà nước như các chất sodium benzoate, sodium citrate, sắc tố carmine và tartrazine.
Anh Yu Yuqin, một chuyên viên chính thuộc viện thực phẩm Thượng Hải nói: "Chất sodium benzoate sử dụng trong sản phẩm không đạt yêu cầu". China Daily cũng đưa tin một số chất phụ gia khác như caffein được ghi trên vỏ của loại đồ uống này cũng có thể hơi quá lạm dụng.
Thông thường chất sodium citrate chỉ được phép sử dụng trong các sản phẩm dành cho các cháu bé, còn chất caffeine thì chỉ được dùng trong các loại đồ uống có ga như nước coca. Theo các bác sĩ, những người mắc bệnh tim mạch cần phải chú ý về các đồ uống có chứa caffeine vì chúng có thể ảnh hưởng tới hoạt động của thận và khả năng hấp thụ canxi.
Anh Chen Xu, một người dân thành phố Thượng Hải, chia sẻ: "Tôi nghĩ chính phủ cần phải theo dõi kỹ hơn việc nhập khẩu sản phẩm này. Còn hiện tại, chính phủ cần phải xem xét thật kỹ sản phẩm này và sớm đưa ra kết luận cuối cùng". 
Phan Tâm

Tìm 'phụ gia độc' trong nước tăng lực Red Bull




Hai viện kiểm nghiệm trong nước đang phân tích mẫu nước tăng lực Red Bull để xác minh thông tin, sau khi Trung Quốc phát hiện loại nước giải khát này có chứa phụ gia gây độc và cấm sử dụng.
> Không nên cho trẻ uống nước tăng lực

 

Chiều 14/2, ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, kết quả phân tích này sẽ được thông báo rộng rãi đến người tiêu dùng trong thời gian sớm nhất, và từ kết quả này Cục sẽ có biện pháp xử lý phù hợp với loại sản phẩm nước uống tăng lực Red Bull.
"Chất phụ gia trong sản phẩm tăng lực được chú ý từ lâu và chúng tôi đã theo dõi trong thời gian dài, trước khi có thông báo thu hồi sản phẩm này từ Trung Quốc", ông Khẩn nói.
Hôm qua, các siêu thị tại Trung Quốc đã quyết định đưa loại nước uống tăng lực Red Bull ra khỏi các kệ hàng, sau khi một số báo cáo ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang khẳng định trong loại nước giải khát này chứa một số chất chưa được Cục quản lý dược và thực phẩm Trung Quốc kiểm định, như sodium benzoate, sodium citrate, sắc tố carmine và tartrazine.
Ngoài ra, các chuyên gia y tế Trung Quốc cũng cảnh báo, người sử dụng Red Bull dễ trở nên lệ thuộc vào loại nước này, cũng như xuất hiện triệu chứng đau đầu, tim đập mạnh.
Vương Linh

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

'Ăn mừng' vì được liệt vào... huyện nghèo

"Nhiệt liệt chúc mừng huyện Tân Thiệu được liệt vào diện nghèo đói, trở thành đối tượng đặc biệt quan tâm trong chương trình xóa đói giảm nghèo cấp quốc gia trong thời kỳ mới” là nội dung tấm biển LED đang có sức lan tỏa chóng mặt trên mạng xã hội Trung Quốc.

Chuyện ăn mừng vì được xếp vào huyện nghèo tưởng chỉ là lời đồn thổi vô căn cứ, nhưng lại có thực tại huyện Tân Thiệu, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.
Hình ảnh và thông tin về sự việc này được phát tán đầu tiên trên trang Weibo vào khoảng 0h39 ngày 30/1 vừa qua bởi một người có nick “@ Đàm Triết Phất”. Ngay sau đó, thông tin thu hút hơn 2.000 ý kiến bình luận.

Hình ảnh tấm biển quảng cáo với dòng chữ sáng rực có nội dung kỳ quái được đăng tải tràn lan trên mạng xã hội Trung Quốc.
Trên trang web chính thức của Ủy ban nhân dân huyện Tân Thiệu, Hồ Nam ngày 29/11/2011 cũng có bài viết liên quan tới sự việc này: “Tân Thiệu đã được liệt vào danh sách các vùng đặc biệt nghèo đói của quốc gia”.
Cư dân mạng Trung Quốc còn xôn xao về thông tin website Shaoyangnews.net công khai tin tức được cho là "tốt lành" này: “8 huyện Long Hồi, Thành Bộ, Thiệu Dương, Tân Trữ, Tân Thiệu, Tuy Trữ, Động Khẩu và Vũ Cương đã chính thức được liệt vào các huyện trọng điểm cần xóa đói giảm nghèo”.
Nhiều ý kiến bình luận, những cụm từ như “nhiệt liệt chúc mừng, tin tốt lành”… đều khó chấp nhận.
Trước vụ việc này, truyền thông Trung Quốc đã vào cuộc để làm rõ thực hư. Vào ngày 31/1, Ủy ban Nhân dân và Phòng Thông tin Truyền thông huyện Tân Thiệu khẳng định, nội dung tấm biển chưa được các ban ngành chức năng của huyện thông qua. Một nhân viên của Phòng thông tin truyền thông cho biết: “Chính quyền huyện không trưng biểu ngữ này. Những lời lẽ trên tấm biến LED không phù hợp. Chúng tôi đã ra quyết định hủy bỏ biểu ngữ”.
Chủ nhiệm ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo huyện, ông Hoàng Kiến Tường thì khẳng định: “Tấm biểu ngữ này là do một doanh nghiệp tư nhân có tên là Trung tâm dịch vụ truyền thông điện tử Kim Quế tự ý thực hiện và chưa thông qua sự cho phép của bất kỳ ban ngành chức năng nào trong huyện”.
(Theo Đất Viêt/ People.com.cn)