Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2011

Trung quốc lại báo cáo láo khiến WHO phải lên tiếng

Từ năm 1985, ở Hoa lục xe đạp dần dần được thay thế bằng xe gắn máy, xe ôtô thì Trung quốc trở nên một quốc gia đứng đầu thế giới về tai nạn giao thông và cho đến ngày hôm nay vẫn giữ ngôi vị này. Trước đây, mỗi năm có chết hàng trăm ngàn người vì tai nạn giao thông, nhà nước cũng mặc vì cho rằng đi ẩu chết ráng chịu, chứ không bao giờ nghĩ rằng mình có phần trách nhiệm lớn trong đó. Nay do mở cửa giao thương với các nước nên bắt đầu sợ bị mang tiếng vì cả chính quyền lẫn người dân chẳng ai nghiêm chỉnh giữ đúng luật lệ giao thông nói chi đến các chuyện khác. Từ năm 2000, chính quyền Bắ́c Kinh đưa ra chỉ tiêu mỗi năm phải giảm con số tử vong vì tai nạn giao thông từ 5 đến 10% để làm sao đến năm 2010 chỉ còn dưới 8 chục ngàn người.

Mặc dù nhà nước đã đặt ra chỉ tiêu như thế, nhưng theo ông Triệu Hàng (Chủ nhiệm sở Nghiên cứu kỹ thuật xe ôtô Trung quốc) thì chẳng ai không muốn tai nạn giao thông giảm thiểu ở mức tối đa, nhưng hiện tại không thể nào đạt được chỉ tiêu đó vì ba lý do chính, thứ nhất là con người, thứ hai là hệ thống quản lý và thứ ba là thiết bị. Phải có một quá trình giáo dục người dân về luật lệ giao thông chứ không thể một sớm một chiều là mọi người rành rẽ. Cứ đứng ở một ngã tư để quan sát có bao nhiêu bộ hành băng qua đường mặc dù đèn xanh chưa bật, đó là chưa kể đến biết bao nhiêu người đi xe gắn máy hay lái ôtô thấy đèn đỏ đã bật nhưng đâu chịu dừng. Về phía quản lý tức là cảnh sát giao thông thì phương pháp điều tra, phân tích nguyên nhân xảy ra tai nạn quá chậm nên không đưa ra được đối sách kịp thời. Đường xá, cầu cống thì rất nhiều nơi thi công không đúng theo như thiết kế vì bị rút ruột nên dễ xảy ra tai nạn. Không giải quyết căn nguyên của vấn đề thì tai nạn giao thông chỉ có tăng chứ làm sao giảm được.

Mặc dù chính quyền Bắc Kinh không giải quyết những vấn đề căn bản mà ông Triệu Hàng đã nêu ra ở trên, nhưng vẫn tuyên bố là đã đạt được chỉ tiêu đã đề ra mới là tài tình. Ngày 13 tháng 1 vừa qua, Cục Quản lý giao thông Trung quốc công bố cho hay số người bị thiệt mạng do tai nạn giao thông gây ra trong năm 2010 là 79.552 người, giảm 3.648 người so với năm 2009. Bản công bố này còn nói thêm là nếu so với con số trên 100 ngàn của năm 2008 thì đây là một nỗ lực lớn của nhà nước và người dân.

Sau khi bản công bố này tung ra được khoảng 3 tuần thì vào ngày 6 tháng 2 năm 2011, Tổ chức Y tế Thế giới của Liên Hiệp Quốc có tên viết tắt là WHO lên tiếng yêu cầu chính quyền Bắc Kinh phải tu chính lại cho đúng với sự thật vì theo điều tra riêng của WHO thì số người bị thiệt mạng bởi tai nạn giao thông trong năm 2010 ở Trung quốc phải gấp ba lần con số mà Cục quản lý giao thông Trung quốc công bố. WHO còn chỉ rõ ra những báo cáo không đúng sự thật của chính phủ Trung quốc, chẳng hạn như năm 2002 số người bị thiệt mạng vì tai nạn giao thông là 221.135 người, trong khi nhà nước Trung quốc công bố là 91.649 người. Hoặc trong năm 2007, chính quyền Bắc Kinh công bố con số cứ 100 ngàn người thì có 6 người bị thiệt mạng vì tai nạn giao thông, thực tế là 164 người.

Các bình luận gia nói rằng WHO có yêu cầu hay kháng nghị gì thì cũng chẳng ăn thua gì cả đối với chính quyền Bắc Kinh, nhưng dù sao việc làm của WHO cũng rất hữu ích là cho thế giới biết thêm một sự thật. Các bình luận gia này còn nói thêm rằng ai mà tin vào những con số thống kê hay báo cáo của chính quyền cộng sản đưa ra mới là người bất thường chứ về phía chính quyền cộng sản thì đâu có gì đáng nói, vì đó là nghề đánh lừa của họ mà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét